SO SÁNH TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN VÀ TRÀ ĐẠO TRUNG QUỐC

 

     Tập tục uống trà tại nhiều quốc gia trên thế giới trở thành một nét văn hóa đặc sắc, thú vị. Nhắc đến văn hóa trà đạo, ta không thể không nhắc tới hai đất nước Nhật Bản và Trung Quốc. Hãy cùng Nam Triều tìm hiểu sự giống và khác nhau giữa hai nền văn hóa thưởng trà lâu đời này nhé.

 

  1. Giống nhau

     Trà đạo Nhật Bản và trà đạo Trung Quốc đều là phương thức để tu thân dưỡng tính, rèn luyện tính tình, bồi dưỡng quan niệm thẩm mĩ và quan niệm đạo đức của con người.

 

  1. Khác nhau

 

  1. a. Nguồn gốc hình thành

     Tại Trung Quốc, cây trà được tìm thấy từ những năm 1600 – 1046. Tuy nhiên, đến tận thời Đường (618 – 905) và thời Tống (907 – 1279) SCN thì văn hóa trà đạo mới thực sự chạm đến đỉnh cao, được phổ biến rộng rãi tới công chúng bấy giờ. Quá trình của nghệ thuật uống trà Trung Hoa bao gồm 3 giai đoạn: nấu trà bằng trà bánh, nấu trà bằng bột trà và nấu trà bằng búp trà non.

     Tại Nhật Bản, cây trà lần đầu tiên được trồng từ cuối thế kỷ XII. Theo nhiều tài liệu của các sử gia ghi lại, vào thời kỳ này có một vị cao tăng người Nhật tên Myouan Eisai du học tại xứ Trung và khi trở về quê nhà, ông mang theo hạt giống cây trà trông trong chùa. Ban đầu, đây là văn hóa cao cấp chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Trong thời đại thế kỷ XII – XIX, thưởng thức trà đạo trở thành đặc quyền của nam giới xứ xở Hoa Anh Đào. Tận mãi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, vấn đề trọng nam khinh nữ dần được xóa bỏ và nữ giới mới được tham gia các bữa tiệc trà.

Lá trà được trồng từ những năm trước công nguyên

 

  1. b. Tư tưởng

 

Trà đạo Trung Quốc

 

  • Tôn nhân

Trong trà đạo Trung Hoa thì tư tưởng đề cao con người được thể hiện qua cách đặt tên các dụng cụ uống trà. Đĩa lót dưới cốc trà là “địa”, nắp ấm là “thiên”, cốc trà là “nhân”.Như vậy có nghĩa là trời rộng, đất lớn, người càng lớn, con người là trung tâm.

  • Đạo pháp tự nhiên

 Dựa trên ba phương diện vật chất, hành vi và tinh thần.

  • Về mặt vật chất: trà đạo cho rằng trà là món quà của tự nhiên nên từ việc trồng, thu hoạch và chế biến trà đều phải thuận theo những qui luật tự nhiên mới có được trà ngon.
  • Về hành vi: trong hoạt động thưởng trà phải lấy tự nhiên làm vẻ đẹp chuẩn mực. Động tác phải như mây trôi nước chảy, cười phải giống như hoa xuân nở.
  • Về tinh thần: Đạo pháp tự nhiên thể hiện ở chỗ con người được hoàn toàn giải phóng, tâm trạng đạt được sự thanh tịnh, tâm hồn hoà vào với hương trà, dường như cả con người đang hoà vào vũ trụ.

 

Trà đạo Nhật Bản

 

     Nghệ thuật thưởng trà của xứ sở Hoa Anh Đào có một quy trình vô cùng cầu kỳ và chau chuốt. Theo đó, các lá trà phải được nghiền thật nát (trà đạo Trung Quốc không nghiền lá trà). Động tác của người pha trà phải đúng với quy tắc, vừa mang trong mình vẻ đẹp thanh thoát, có tính tiết tấu như vũ đạo, vừa phải hết sức chuẩn xác từ chi tiết nhỏ. Khi bước vào phòng trà, khách ngồi tựa người trên hai gót chân, quỳ gối trên chiếu cói tatami, chăm chú theo dõi tiến trình của buổi tiệc trà. Bộ dụng cụ pha trà được thiết kế vô cùng đặc biệt với các đường nét hoa văn tinh xảo, chủ nhà sẽ biểu diễn các bước pha trà (nhóm lửa, nấu nước, pha trà, dâng trà) bằng các cử chỉ khéo léo và nhanh nhẹn. Cách thưởng thức uống trà của khách cũng được quy định nghiêm ngặt. Trước khi uống, các vị khách để hai tay xuống sàn nhà, cúi đầu chào mọi người, rồi cung kính nâng bát trà lên, xoay bát ba lần theo hướng kim đồng hồ, sau đó từ từ uống. Khi uống xong, khách xoay bát theo hướng ngược lại về chỗ cũ, rồi lại nhẹ nhàng đặt bát xuống. Ngoài ra, các vị khách còn phải bình phẩm và khen ngợi bộ đồ uống trà. Khi tất cả đã uống xong, mọi người lại cúi mình chào nhau một cách kính cẩn rồi mới lần lượt ra về.

     Trà đạo Nhật Bản được phát triển trên cơ sở “chuyện cơm nước thường ngày”, nó kết hợp cuộc sống thường nhật với tôn giáo, triết học, luân lí và mĩ học, trở thành một hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính tổng hợp. Tinh thần của Trà đạo được biết đến qua bốn chữ “hòa, kính, thanh, tịnh”.

  • “Hòa” tức là sự hài hòa giữa Trà Nhân và Trà Thất (không gian thưởng trà), giữa những Trà Nhân với nhau, và giữa Trà Nhân với trà cụ. Tất cả những điều này như một sợi dây tạo nên mối liên kết khăng khít về những giây phút hiện tại.
  • “Kính” ngoài ý nghĩa chỉ sự tôn kính, kính trọng những Trà Nhân, những sự vật hiện hữu tại giây phút hiện tại mà còn thể hiện sự trân trọng, biết ơn mọi sự.
  • “Thanh” là sự thanh khiết, khiết tịnh, thánh thiện, hài hòa, khiêm nhường trong cái tâm của mỗi người. Chỉ khi Hòa – Kính – Thanh đạt được đến một mức độ nhất định thì chữ Tịnh mới xuất hiện.
  • “Tịnh” là kết quả khi tâm hoàn toàn được an trú ở hiện tại, khi đó con người sẽ ý thức được từng cử chỉ, từng hành động, từng lời nói và mọi sự vật xung quanh mình ở đây và ngay lúc này, không còn quá khứ, tương lai. Cũng chính lúc ấy, người ta sẽ đạt đến một trạng thái cao về mặt tinh thần và tâm linh, họ sẽ tìm thấy được sự an lạc và hạnh phúc thưc sự.

 

  1. c. Cách thưởng trà

     Tại Trung Quốc, việc thưởng trà đúng chuẩn truyền thống phải có đủ 4 yếu tố: Khí – Thủy – Hỏa – Sự. Trong đó: 

  • Khí là dụng cụ dùng để uống trà. 
  • Thủy là nước dùng để pha trà, phải dùng nước suối hoặc nước trên núi.
  • Hỏa là lửa dùng để đun trà. 
  • Sự là người pha trà, người uống trà và thời điểm uống trà.

     Khi thưởng thức hương vị của trà, mọi người sẽ bình phẩm chất lượng trong hương thơm, vị ngọt chát, màu sắc trong đục của trà. Ở thời Đường và thời Tống thì việc thưởng thức trà cần phải được kết hợp với các màn trình diễn đặc biệt như ca hát dân gian. Mặc dù trước đây, nó là một điều thông dụng nhưng quy tắc này đã không còn phổ cập tới bây giờ.

 

Sau khi thưởng thứ, mọi người sẽ bình luận về chất lượng trà

 

     Tại Nhật Bản, nghệ thuật thưởng trà có phần cầu kỳ hơn rất nhiều vì mọi chi tiết dù là nhỏ cũng đều được lựa chọn tỉ mỉ và cân nhắc rất kỹ càng. Để thực hiện một buổi tiệc trà đạo, người Nhật Bản cần chuẩn bị: 

  • Trà thất:  Không gian dành cho việc uống trà. 
  • Trà cụ: dụng cụ dùng để pha trà và uống trà.
  • Trang phục: thường khuyến khích mặc Kimono để tạo nên sự khiêm tốn, lịch sự và tao nhã. 

     Ngoài ra, người uống trà còn phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: 

  • Làm lễ tẩy trần gồm rửa tay và súc miệng trước khi vào trà thất và khi bước vào phải cúi đầu để thể hiện sự tôn trọng. 
  • Ăn một chút thức ăn ngọt trước khi uống trà. 
  • Dành ra một phút nghỉ ngơi để chờ đợi chủ nhân của buổi trà tiến hành pha trà. 
  • Tiến hành lễ dâng trà đậm. 
  • Tiến hành lễ dâng trà ngon.

 

     Trà đạo Nhật Bản hay trà đạo Trung Quốc đều mang trong mình nét đẹp riêng có cùng các tập tục truyền thống cực kỳ thú vị. Nếu bạn có đam mê với các nền văn hóa này, tại sao không một lần thử tham gia các buổi tiệc trà đạo để có thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như nhận thêm trải nghiệm tuyệt vời mà không gian thưởng thức mới mẻ của trà mang lại phải không nào?

     Một trong những cách thức tiếp cận các sự kiện văn hóa Nhật nói chung và trải nghiệm nghệ thuật trà đạo nói riêng đó là tham gia vào các câu lạc bộ - nơi hội tụ những con người có niềm đam mê với xứ sở Mặt Trời mọc. Có một gợi ý nhỏ cho các bạn đó là tham gia câu lạc bộ của Tiếng Nhật Nam Triều với điều kiện vô cùng đơn giản. Chỉ cần bạn là một người yêu văn hóa Nhật hoặc trở thành học viên chính thức của Nam Triều. Hãy để lại thông tin cá nhân tại http://m.me/TiengNhatNamTrieu để tham gia free các hoạt động liên quan nhé!

 

28/12/2021

Bình luận

  • 3880 lượt xem
Liên hệ
Đầu trang
 
Bạn cần hỗ trợ?