Giới thiệu về Nhật Bản, chúng ta đã quen thuộc với những câu văn hoa mỹ mô tả sự hào nhoáng của những con phố khi lên đèn, với những nét văn hóa mang bản sắc dân tộc độc đáo. Liệu có những mặt trái  nào đằng sau sự hoa lệ đó không? Cùng khám phá nhé!

 

1. Hikikomori: Mặt trái của nền kinh tế bong bóng

Trong xã hội Nhật Bản từ những năm 90 đã xuất hiện từ “Hikikomori” - một từ chỉ những người trẻ tuổi tự nhốt mình trong nhà từ 6 tháng trở lên (Theo bác sĩ tâm thần Tamaki Saito - 1961). “Hikikomori” mang phạm vi rất rộng, nó không đơn thuần để chỉ những thanh niên tính cách “sáng nắng chiều mưa”, mê chơi game đến quên ăn quên ngủ, ăn bám gia đình, mà còn mô tả những người từng bị tổn thương trong các mối quan hệ xã hội như bạn bè, đồng nghiệp. 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bị tàn phá nghiêm trọng. Để vực dậy cả một nền kinh tế đang thoi thóp, người dân Nhật với sự đoàn kết, tinh thần hy sinh lợi ích cá nhân vì quốc gia đã giúp Nhật Bản từng bước trở mình. Từ một một nền kinh tế được ví như đã quay trở về “thời kỳ đồ đá” nay trở lại đường đua với các “cường quốc năm châu”. 

Nhưng những năm từ 1986 đến 1991, nền kinh tế của Nhật Bản chững lại và kéo theo đó là hàng loạt người mất việc. Trước kỳ vọng, áp lực của gia đình và xã hội những người mất việc cảm thấy họ thừa thãi, xấu hổ. Họ không biết cống hiến cho điều gì và tự cho rằng mình không có giá trị. Họ nhốt mình trong nhà để tự trách và không muốn gặp gỡ ai. 

Hikikomori một hiện tượng đáng buồn của Nhật Bản.

“Hikikomori” còn nằm trong đội tuổi 13 - 19, đa phần những học sinh rơi vào trường hợp bạo lực học đường hoặc nghỉ một thời gian dài vì những sự cố như tai nạn hoặc ốm đau. Khi quay lại đi học, các bạn thường cảm thấy lo lắng, sợ hãi và khó bắt kịp kiến thức, bị tụt lại phía sau nên đã tạo ra tâm trạng chán nản, không muốn đi học.

Bên cạnh đó , trong thế giới “Hikikomori” còn một nhóm là người tàn tật, mắc các chứng bệnh rối loạn phát triển. Họ sợ mọi người xung quanh biết sẽ có cái nhìn phân biệt và đôi khi nhóm người này bị tổn thương đến nỗi sợ cảm giác phải bước chân ra khỏi nhà - vùng an toàn và tiếp xúc với những người xa lạ. 

2. Kodokushi - Chương cuối cô độc của một kiếp người

Nhật Bản được biết đến là một nước có dân số già và giới trẻ ngày nay với guồng quay công việc nặng nề đã không còn quá nhiều thời gian hay mặn mà với chuyện hẹn hò, thậm chí là lập gia đình. Bên cạnh đó, văn hóa đề cao sự độc lập và riêng tư của cá nhân bên cạnh việc ảnh hưởng tích cực cũng tạo nên những mặt tối trong xã hội.

Từ những năm 1970, người ta đã biết đến khái niệm Kodokushi. Đây là từ dùng để chỉ những người qua đời tại nhà của mình trong một thời gian dài nhưng không ai biết, có nhiều trường hợp phải đến nửa năm hàng xóm mới phát hiện ra. 

 Kodokushi ở Nhật Bản không phải một điều hiếm gặp. 

Ở Nhật Bản có thông tin về cụ ông ra đi trong lạnh lẽo tại chính ngôi nhà của mình, nhưng phải đến 3 năm sau người ta mới phát hiện ra. Bởi vì tiền điện và tiền nước được chi trả qua thẻ tín dụng, đến khi tiền trong tài khoản hết, nhân viên mới đến giục thì tá hỏa khi bước vào nhà chỉ thấy một bộ xương trắng xóa.  

Tuy nhiên những nhà chức trách của Nhật Bản không quá quan tâm đến vấn đề này, phải mãi đến những năm 2000, truyền thông và chính phủ mới có những nhận thức và động thái quan tâm hơn đến Kodokushi. 

3.  "Internet Refugees"- Chốn về của người không nhà

Vẻ hào nhoáng của đô thị cũng gắn liền với những mặt tối của xã hội Nhật Bản mà nếu không để ý kỹ, sẽ chẳng ai nhận ra được.

Khi đến giờ tan tầm ở Nhật Bản, trên đường phố mọi người bắt đầu di chuyển về nhà, thì có những người vác theo những chiếc túi lớn chứa đồ đạc cá nhân và điểm đến của họ chính là những quán cà phê được kết nối Internet. Họ được gọi là "người vô gia cư trên mạng" vì họ có thể vô gia cư, nhưng họ không ở trên đường phố. Thay vào đó, họ sống trong quán cà phê internet. Đó thường là những người không có nhà riêng của mình, lương của họ quá ít ỏi để có thể thuê/mua một căn nhà. Họ tiết kiệm thêm được một ít tiền khi ngủ qua đêm ở quán cà phê bởi nó rẻ hơn nhiều so với việc thuê nhà.

Nơi hoa lệ như Tokyo, cũng có những người phải sống cả cuộc đời trong căn phòng nhỏ bé và tăm tối.

Tuy nhiên, ngủ qua đêm ở quán cà phê cũng rất bất tiện khi ta không thể duỗi thẳng chân trong những căn phòng đó. Cũng không hề đảm bảo sự riêng tư, hay thư giãn hoàn toàn khi mỗi căn phòng nhỏ chỉ cách nhau một bức tường mỏng. Những người trong quán cà phê có xu hướng chung là sống khá ấn dật. Đôi khi họ gặp những người khác khi rời khỏi phòng của mình, nhưng mọi người có rất ít tương tác và gần như là không. Có thể thấy những người sống ở quán cà phê không đơn độc, nhưng họ lại giống như bị cô lập. 

4. Nishinari - Nhật Bản thực sự xa hoa và giàu có? 

Những mặt trái của xã hội hiện đại luôn tồn tại, giống như một đồng xu luôn có hai mặt. Được biết đến với biệt danh “con rồng Châu Á”, Nhật Bản là đất nước có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Tuy nhiên nơi đây cũng có những “khu ổ chuột” lạc hậu ít được người ta biết đến. 

Được gọi với cái tên hoa mỹ là “vương quốc lưu lạc” Nishinari thuộc thành phố Osaka. Nơi đây có tới hàng chục nghìn người đang sinh sống. Đây là nơi tá túc của những người nghèo không có chốn về, dân xã hội đen, tội phạm, người trốn nợ, cũng có cả những người làm thuê tạm bợ. Thành phần dân cư vô cùng phức tạp 

Tuy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng những người dân ở đây luôn có ý thức tuân thủ đúng giờ giấc sinh hoạt và sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng đúng với tinh thần người Nhật

Những đôi dép được xếp gọn gàng trước “cửa nhà” được làm từ bìa của một người vô gia cư

 

Có thể nói đồng hành cùng với sự phát triển, xã hội Nhật Bản cũng tồn tại nhiều mặt trái bởi không có gì trên đời hoàn hảo, chúng ta cũng không nên thần thánh hóa Nhật Bản. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn là một điểm đến lý tưởng của nhiều du khách và không thể phủ nhận được những mặt tốt của xứ sở mặt trời mọc.  

Nếu muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản cũng như nhận được lộ trình học tiếng Nhật chi tiết nhất, phù hợp với khả năng, bạn có thể nhận tư vấn tại: m.me/TiengNhatNamTrieu
⏭️Facebook: https://www.facebook.com/TiengNhatNamTrieu
⏭️Youtube: Tiếng Nhật Nam Triều
⏭️Hotline: 0987 852 668


 

 

 

29/12/2022

Bình luận

  • 495 lượt xem
Liên hệ
Đầu trang
 
Bạn cần hỗ trợ?